Tour Tinh Hoa Ẩm Thực Việt: Top 12 món ăn mang đậm dấu ấn Việt Nam
Cha đẻ của Marketing hiện đại, Philip Kotler đã từng nói: “Việt Nam nên là nhà bếp của thế giới”, bấy nhiêu đó cũng đã thấy được nét tinh hoa trong ẩm thực Việt làm không ít người say mê. Nhờ nguồn nguyên liệu dồi dào và truyền thống ẩm thực lâu đời, Việt Nam sở hữu nền ẩm thực vô cùng đa dạng và phong phú. Nét đặc trưng này được thể hiện rõ nét qua sự khác biệt về khẩu vị và cách chế biến món ăn giữa ba miền Bắc, Trung, Nam.
I. Đôi nét về văn hóa ẩm thực Việt Nam
Sự phong phú và đa dạng của ẩm thực Việt Nam không chỉ thể hiện qua hương vị món ăn mà còn là sự kết tinh của truyền thống, văn hóa và bản sắc của mỗi vùng miền, dân tộc. Chính điều này đã tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới đến khám phá và thưởng thức.
Ẩm thực Việt Nam không chỉ thu hút thực khách bởi sự đa dạng phong phú mà còn bởi cách chế biến độc đáo, đề cao hương vị mà vẫn giữ trọn vẹn dưỡng chất. Khác với sự cầu kỳ của ẩm thực Trung Hoa hay chú trọng thẩm mỹ cao của ẩm thực Nhật Bản, người Việt Nam đề cao sự thanh tao, tinh tế trong cách pha chế gia vị và phối hợp nguyên liệu. Các món ăn của Việt Nam chủ yếu được chế biển theo hai nguyên lý âm dương phối triển và ngũ hành tương sinh.
Người Việt thường không chỉ ăn một món mà kết hợp nhiều món khác nhau trong một bữa ăn, tạo nên sự tổng hòa hương vị phong phú. Mỗi món ăn đóng vai trò riêng, bổ sung cho nhau và tạo nên một bữa ăn hoàn chỉnh. Đặc biệt trong cách thưởng thức món ăn của người Việt cũng không giống người phương Tây, họ thường ăn kèm với một loại nước chấm thường gọi là nước mắm. Nước mắm là biểu tượng cho sự tinh tế và sáng tạo trong ẩm thực Việt Nam hay còn gọi là “quốc hồn, quốc túy”, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt.
II. Ẩm thực miền Bắc - hơi thở của nền văn hóa ẩm thực xứ kinh kỳ
2.1. Cá kho làng Vũ Đại danh bất hư truyền
Nhắc đến tinh hoa ẩm thực miền Bắc thì phải nhắc đến món Cá kho làng Vũ Đại. Nếu đã từng đọc qua tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao thì bạn chắc hẳn sẽ ấn tượng ít nhiều với địa danh làng Vũ Đại. Đây là một ngôi làng có thật cũng chính là quê hương của nhà văn Nam cao lỗi lạc. Ngôi làng nhỏ bé này từ lâu đã nổi tiếng với món ăn “Cá kho làng Vũ Đại” trứ danh. Món ăn dân dã này không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương mà còn thu hút thực khách từ khắp nơi bởi hương vị thơm ngon, đậm đà và giá trị văn hóa lâu đời.
Cá kho làng Vũ Đại có nguồn gốc từ xa xưa, được người dân nơi đây truyền tai nhau qua nhiều thế hệ. Vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán, món cá kho trở thành món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ gia đình, thể hiện mong ước về sự sung túc, đủ đầy trong năm mới. Món cá có thể bảo quản được lâu, càng hâm lại nhiều lần thì càng ngon. Cá kho làng Vũ Đại được chế biến từ những nguyên liệu tươi ngon, đặc biệt là cá trắm đen, loại cá có vị ngọt béo, thịt dai chắc. Cá được kho trong niêu đất cùng với riềng, mắm tôm, nước dừa và các gia vị khác, tạo nên hương vị thơm ngon, đậm đà khó cưỡng.
Nhờ hương vị thơm ngon và giá trị văn hóa lâu đời, cá kho làng Vũ Đại đã trở thành đặc sản của ẩm thực miền Bắc. Ngày nay, nhiều làng nghề chế biến cá kho mọc lên để đáp ứng nhu cầu của du khách và người tiêu dùng. Món ăn này được truyền tay qua nhiều thế hệ, thể hiện giá trị văn hóa và bản sắc độc đáo của làng Vũ Đại.
>>> Tham khảo tour: Tinh hoa ẩm thực Việt: Ninh Bình - Tuyệt Tịnh Cốc - Nam Định - Hà Nam - Cá kho Làng Vũ Đại - Hà Nội - Vườn hoa bãi đá sông Hồng
2.2. Phở - hơn cả một món ăn
Quả là một thiếu sót lớn nếu nhắc đến ẩm thực miền Bắc mà bỏ qua món Phở, món ăn tuy giản đơn mà lại chinh phục được thực khách trên toàn cầu. Phở, món ăn biểu tượng cho nền ẩm thực Việt Nam, có nguồn gốc từ đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, nơi xuất hiện đầu tiên của món ăn này vẫn còn là chủ đề tranh luận sôi nổi giữa hai địa phương: Nam Định và Hà Nội. Phở không chỉ là món ăn ngon mà còn là biểu tượng văn hóa của Việt Nam. Phở xuất hiện trong đời sống thường ngày, trong những dịp lễ Tết, trong các nhà hàng sang trọng hay trên những gánh hàng rong ven đường.
Trải qua hành trình dài phát triển, phở đã biến tấu theo từng miền, tạo nên những nét đặc trưng riêng biệt mà người ta hay gọi là phở Bắc, phở Huế và phở Sài Gòn. Thông thường thì phở miền Bắc đặc trưng bởi vị mặn còn miền Nam thì ngọt và nhiều rau. Bánh phở ở miền Nam nhỏ hơn ở miền Bắc. Phở không chỉ chinh phục thực khách trong nước mà còn vang danh trên thế giới, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
2.3. Bún chả Hà Nội - món ăn đậm chất Hà Thành
Bún chả Hà Nội được xem là nét điểm xuyết trong bản đồ ẩm thực miền Bắc. Từ trước đến nay, bún chả Hà Nội luôn được coi là một món ăn ngon mà bất kỳ ai cũng nên thử qua một lần chứ không đợi đến năm 2016, khi thủ tướng Obama thưởng thức trong một lần đến thăm Hà Nội thì mới trở nên nổi tiếng. Bún chả là món ăn dân dã nhưng lại ẩn chứa nhiều bí quyết để tạo nên hương vị thơm ngon đặc trưng. Trong đó, hai yếu tố quan trọng nhất chính là thịt lợn và nước chấm.
Nước chấm bún chả không chỉ đơn giản là sự pha trộn của các nguyên liệu mà còn là tinh hoa ẩm thực Việt, thể hiện sự tinh tế và công phu của người đầu bếp. Để tạo nên bát nước chấm hoàn hảo, người ta cần cân bằng các vị chua, mặn, ngọt, the, cay một cách hài hòa, sao cho khi ăn cùng bún chả sẽ tạo nên sự kích thích vị giác tuyệt vời. Mỗi yếu tố đều đóng vai trò quan trọng, góp phần tạo nên hương vị đặc trưng và sức hấp dẫn khó cưỡng của món ăn này.
2.4. Chả cá Lã Vọng - tinh hoa ẩm thực Hà thành
Có thể nói, nhắc đến Hà Nội, không ai là không biết đến món chả cá Lã Vọng trứ danh. Món ăn này không chỉ là một đặc sản nức tiếng mà còn mang trong mình câu chuyện lịch sử thú vị, bắt nguồn từ những năm 70 của thế kỷ 19. Món ăn được chế biến từ những con cá lăng tươi ngon nhất, tuyển chọn kỹ lưỡng. Cá lăng với thịt chắc, ngọt, ít xương, mang đến hương vị hoàn hảo cho món ăn.
Điểm đặc biệt của Chả cá Lã Vọng chính là sự kết hợp độc đáo giữa các nguyên liệu, tạo nên một bản hòa tấu hương vị khó cưỡng. Món ăn được thưởng thức cùng bún rối, rau thơm, mắm tôm pha chanh ớt và hành phi. Thịt cá ngọt lịm, béo ngậy quyện cùng vị đậm đà của mắm tôm, vị cay nồng của ớt, vị thanh mát của rau thơm, tạo nên một trải nghiệm ẩm thực vô cùng tinh tế. Chả cá Lã Vọng không chỉ là một món ăn ngon mà còn là biểu tượng văn hóa ẩm thực miền Bắc. Mỗi lần thưởng thức món ăn này, thực khách như được đắm chìm trong không gian văn hóa truyền thống của thủ đô ngàn năm văn hiến.
Ngoài ra thì khi đến thăm quê hương Bắc Bộ bạn cũng có thể thưởng thức qua các món đặc sản: Cốm làng Vòng, bún cá rô đồng Hà Nam, bún cá Hải Phòng, rượu mơ Yên Tử,...
III. Ẩm thực miền Trung - biến sản vật quê hương thành những món ăn độc đáo
3.1. Bún bò Huế - từ ẩm thực cung đình đến món ăn dân dã
Bún bò Huế, món ăn biểu tượng của Cố đô, ẩn chứa trong mình một câu chuyện lịch sử lâu đời, gắn liền với thời kỳ vàng son của triều Nguyễn. Tương truyền, vào thế kỷ 16, dưới thời trị vì của Chúa Nguyễn Hoàng, tại làng Vân Cù (nay thuộc thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), một người phụ nữ xinh đẹp và tài năng tên Bún đã sáng tạo ra món bún bò độc đáo.
Tô bún bò chuẩn vị Huế mang trọn vẹn tinh hoa ẩm thực miền Trung của Cố đô, là sự kết hợp hài hòa giữa từng nguyên liệu, tạo nên hương vị đặc trưng khó cưỡng. Sợi bún được làm từ bột gạo pha với bột lọc theo tỷ lệ chuẩn, tạo độ dai mềm vừa phải. Thịt bò được chọn là phần bắp chân trước, nạm bò hoặc bắp hoa màu, đảm bảo độ mềm mại và ngọt thịt. Nước dùng chính là "linh hồn" tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng cho món bún bò xứ Huế. Bí quyết tạo nên nước dùng ngon chuẩn vị nằm ở khâu ninh hầm xương ống bò trong nhiều giờ, đủ để chiết xuất vị ngọt thanh đậm đà, quyện hòa cùng tủy bò béo ngậy.
>>> Tham khảo tour: Khám Phá Tinh Hoa Ẩm Thực Miền Trung: Huế - Điện Kiến Trung - Lan Viên Cố Tích - Làng Cổ Thủy Biều - Mikazuki Đà Nẵng - Hội An
3.2. Mì Quảng - món ăn mang theo tính cách con người xứ Quảng
Quảng Nam - vùng đất "định hình sớm" trong dòng chảy Nam tiến của dân tộc, được mệnh danh là "địa linh nhân kiệt" với bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời. Và nhắc đến ẩm thực miền Trung, không thể không nhắc đến món Mì Quảng - một nét đẹp văn hóa đặc trưng của vùng đất này. Mì Quảng không chỉ đơn thuần là một món ăn mà còn là sự kết tinh của tinh hoa văn hóa, con người xứ Quảng.
Sợi mì được làm từ bột gạo xay nhuyễn, tráng mỏng và thái sợi to bản, có màu vàng ươm đặc trưng. Nước dùng được hầm từ xương heo, gà hoặc cua, nêm nếm gia vị vừa ăn, tạo nên vị ngọt thanh, đậm đà. Mỳ Quảng thường được ăn kèm với nhiều loại rau sống, thịt heo, gà, tôm, trứng cút,... tạo nên sự hòa quyện hương vị độc đáo. Mỗi tô Mì Quảng mang đậm hương vị quê hương, là niềm tự hào của người dân Quảng Nam.
3.3. Bánh căn - món ăn quen thuộc của những người con miền Trung
Bánh căn - Món quà ẩm thực mà biển cả dành tặng cho ẩm thực miền Trung, đặc biệt là Phan Thiết, Nha Trang và Đà Lạt. Bánh căn nhỏ xinh, vỏ ngoài giòn rụm, bên trong mềm dai, quyện cùng vị béo ngậy của nhân thịt, tôm, mực,... tạo nên hương vị khó cưỡng. Ai đã từng thưởng thức bánh căn một lần chắc chắn sẽ nhớ mãi hương vị đặc trưng của món ăn này.
Nước chấm là linh hồn tạo nên hương vị đặc trưng cho món bánh căn, góp phần làm nổi bật hương vị của từng vùng miền. Tuy có điểm chung là sự kết hợp của nước mắm, ớt, tỏi, nhưng mỗi địa phương lại có bí quyết pha chế riêng, tạo nên sự đa dạng và tinh tế trong ẩm thực bánh căn.
3.4. Thịt heo hai đầu da - dấu ấn ẩm thực Đà thành
Ẩm thực miền Trung nổi tiếng với sự đa dạng và phong phú, trong đó các món ăn từ thịt heo luôn chiếm vị trí quan trọng. Tuy nhiên, để tìm ra món ngon nhất chế biến từ nguyên liệu này, không thể không kể đến món thịt heo hai đầu da trứ danh tại Đà Nẵng.
Ba thành tố để tạo nên một món ăn chất lượng nằm ở chất lượng thịt, rau và nước chấm. Thịt phải tươi ngon, chọn phần thịt phù hợp với món ăn. Cách sơ chế và tẩm ướp gia vị cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên hương vị cho món ăn. Nước chấm là linh hồn của món ăn, quyết định đến 50% hương vị. Nước chấm phải làm từ mắm nêm hảo hạng pha cùng chanh, tỏi, ớt, gừng, sả, thơm xắt hạt lựu, đường phèn, nước dừa…mới “đúng bài”.
Tại mảnh đất miền Trung ngoài 4 món ăn kể trên thì bạn cũng có thể thưởng thức thêm những món ẩm thực khác như: Bánh xèo, Cao Lầu, Bánh canh cá lóc, Cơm hến, Cơm gà Tam Kỳ, Bánh canh hẹ Phú Yên,...
IV. Ẩm thực miền Nam - mang theo tấm lòng hào sảng vào từng món ẩm thực
4.1. Cơm tấm - biểu tượng cho sự giao thoa văn hóa Đông và Tây
Nhắc đến Hà Nội, người ta nghĩ ngay đến món phở trứ danh, còn Sài Gòn lại nổi tiếng với món cơm tấm mang đậm hương vị của ẩm thực miền Nam. Gọi món ăn này là sự giao thoa văn hóa Đông - Tây là bởi vì người ta dùng muỗng và thìa để ăn cơm chứ không dùng đũa như cách ăn cơm thông thường. Cơm tấm được ăn kèm với nhiều món ăn độc đáo, mang đậm dấu ấn ẩm thực của các vùng miền khác nhau: sườn nướng kiểu Pháp, chả trứng theo phong cách người Hoa, bì trộn thính kiểu miền Bắc, và nước mắm chua ngọt đặc trưng của người miền Nam.
Ngày nay, cơm tấm được xem như "nữ hoàng" trong nền ẩm thực đường phố Sài Gòn, nhưng ít ai biết rằng, món ăn này xuất thân từ nguồn gốc "nhà nghèo". Xưa kia, cơm tấm là món ăn quen thuộc của người dân lao động hoặc sinh viên nghèo, bởi nguyên liệu chính là những hạt tấm thừa, hạt gạo bể... vốn ít nở và giá thành rẻ hơn so với các loại gạo thông thường. Nấu cơm tấm cũng là cách để tiết kiệm chi phí cho bữa ăn. Cơm tấm là một phần không thể thiếu trong đời sống của người Sài Gòn, là niềm tự hào của ẩm thực miền Nam.
>>> Tham khảo tour: Tinh Hoa Ẩm Thực Việt - Miền Tây: Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau - Đất Mũi - Bạc Liêu - Sóc Trăng
4.2. Lẩu mắm - nét văn hóa ẩm thực đậm chất miền Tây
Nhắc đến ẩm thực miền Nam, không thể không nhắc đến món lẩu mắm - biểu tượng văn hóa ẩm thực độc đáo của vùng sông nước. Lẩu mắm không chỉ là món ăn bình dị trong bữa cơm gia đình mà còn là niềm tự hào của người dân nơi đây, thể hiện rõ nét tính cách hiền hòa, chịu thương chịu khó và sự gắn bó với thiên nhiên của con người miền Tây.
Lẩu mắm là món ăn gắn liền với đời sống văn hóa của người dân miền Tây. Mỗi khi có dịp sum họp gia đình, bạn bè, người ta lại quây quần bên nồi lẩu mắm, cùng nhau thưởng thức hương vị thơm ngon và chia sẻ những câu chuyện đời thường. Lẩu mắm là một phần không thể thiếu trong bản sắc văn hóa ẩm thực của miền Tây, là niềm tự hào của người dân nơi đây và là món ăn được du khách yêu thích khi đến với vùng sông nước này.
4.3. Bánh mì - ghi tên mình vào từ điển Oxford
Bánh mì Việt Nam, với vỏ ngoài giòn rụm, ruột mềm thơm, kẹp nhân thịt, pate, rau củ,... đã trở thành món ăn đường phố quen thuộc và được yêu thích trên khắp Việt Nam. Ít ai biết rằng, món ăn này có nguồn gốc từ bánh baguette đặc ruột do người Pháp mang đến Sài Gòn vào thế kỷ 19.
Ngày nay, bánh mì được bán ở khắp mọi nơi trên đất nước, từ những cửa hàng sang trọng đến những xe đẩy vỉa hè bình dân. Bánh mì trở thành món ăn yêu thích của mọi lứa tuổi, từ học sinh, sinh viên đến người lao động, công chức. Bánh mì không chỉ là món ăn ngon mà còn là biểu tượng văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung và ẩm thực miền Nam nói riêng, góp phần quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới. Năm 2011, từ “Banh mi” chính thức có mặt trong từ điển Oxford, chín năm sau hình ảnh bánh mì xuất hiện trên trang chủ của Google.
4.4. Hủ tiếu Sa Đéc - mang hồn của vùng đất sen hồng
Nhắc đến Sa Đéc (Đồng Tháp), người ta không chỉ nhớ đến những làng hoa rực rỡ mà còn say mê bởi nền ẩm thực phong phú, đậm đà hương vị ẩm thực miền Nam. Trong bản đồ ẩm thực nơi đây, món hủ tiếu luôn chiếm vị trí đặc biệt, là niềm tự hào của người dân Sa Đéc và là điểm đến không thể bỏ lỡ cho du khách khi ghé thăm vùng đất này.
Hủ tiếu Sa Đéc mang hương vị độc đáo, khác biệt so với các vùng miền khác. Sợi hủ tiếu được làm từ bột gạo Sa Đéc, dai dai, mềm mềm, quyện trong nước dùng ngọt thanh hầm từ xương heo và tôm. Nước dùng đậm đà, quyện cùng vị béo của gan heo, vị cay nồng của ớt, vị thơm của hành lá, tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng. Thưởng thức hủ tiếu Sa Đéc không chỉ là để no bụng mà còn là để cảm nhận tinh hoa ẩm thực của vùng đất Nam Bộ.
Đến với mảnh đất miền Nam thân thương, bạn đừng quên thử qua các món: Hủ tiếu Mỹ Tho, bánh pía Sóc Trăng, kẹo dừa Bến Tre, bánh tằm Cà Mau, bún cá Châu Đốc,...
Ẩm thực Việt Nam từ lâu đã được du khách quốc tế đánh giá cao bởi sự đa dạng, phong phú và tinh tế. Mỗi vùng miền trên đất nước lại mang đặc trưng riêng trong cách chế biến và thưởng thức món ăn. Với tour tinh hoa ẩm thực Việt mà Vietravel đã đề cập, hy vọng sẽ cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích và sẽ có cơ hội được thưởng thức sự đa dạng của ẩm thực Việt Nam trong tương lai gần.
Nguồn bài viết: Sưu tầm và tổng hợp
@camnangdulich #camnangdulich