Kinh nghiệm du lịch Sóc Trăng
Kinh nghiệm du lịch
Sóc Trăng là một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long thuộc Việt Nam, nằm ở cửa Nam sông Hậu, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 240 km, cách Cần Thơ 62 km. Tỉnh Sóc Trăng nằm ở hạ nguồn của sông Hậu, là nơi sông Hậu đổ vào biển Đông tại hai cửa Định An và Trần Đề. Nơi đây có sự giao thoa bản sắc văn hóa của ba dân tộc Kinh, Hoa và Khmer.
Phương tiện đi lại
Xuất phát từ Sài Gòn, bạn có thể đến Sóc Trăng bằng xe máy hoặc đi xe khách tại các bến xe. Nếu đi xe máy, (Sóc Trăng cách Sài Gòn 240km) bạn có thể đi từ Sài Gòn – cầu Cần Thơ, qua cầu Cần Thơ rẽ trái, chạy thêm 67km nữa là tới Sóc Trăng. Còn đi xe khách, bạn có thể ra bến xe miền Tây (địa chỉ: 395 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, Quận Bình Tân, Tp.HCM) để mua vé hoặc liên hệ các xe chuyên chạy tuyến Sài Gòn – Sóc Trăng như Mai Linh, Phương Trang. Từ Sài Gòn đi Sóc Trăng khoảng 6 tiếng. Đến Sóc Trăng bạn có thể chọn xe buýt làm phương tiện đi lại hoặc thuê xe máy, đi taxi (Mai Linh).
Nên đi Sóc Trăng mùa nào?
Sóc Trăng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới chịu ảnh hưởng gió mùa, chia thành mùa là mùa khô và mùa mưa, trong đó mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Tuy nhiên Sóc Trăng ít bị bão lũ nên bạn có thể đến vào bất kỳ thời gian nào trong năm.
Những điểm nào nên tham quan khi đến Sóc Trăng
Chợ nổi Ngã Năm tại thị trấn Ngã Năm, huyện Thanh Trị, cách trung tâm Sóc Trăng 50km, là một trong những chợ nổi có từ lâu và nhộn nhịp nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thu hút du khách. Đặc biệt, chợ nổi Ngã Năm là giao điểm của 5 con sông đi 5 ngả: Cà Mau lên, Vĩnh Quới vào, Long Mỹ, Thanh Trị qua, Phụng Hiệp xuống. Các điểm du lịch sinh thái Sóc Trăng như vườn cò Tân Long thuộc xã Long Bình, huyện Ngã Năm, với hàng ngàn con cò làm tổ, sinh sống là nơi thích hợp để bạn cắm trại và thư giãn trong không gian trong lành hay Cồn Mỹ Phước thuộc xã Nhơn Mỹ cách thị trấn Kế Sách chừng 10km, đi canô mất nửa giờ, nơi bạn thử làm nông dân với tát mương bắt cá và thưởng thức trái cây miệt vườn.
Sóc Trăng nổi tiếng với hệ thống những ngôi chùa độc đáo, có lịch sử lâu đời như chùa Sà Lôn (cách thành phố Sóc Trăng 12km, hướng từ thành phố Sóc Trăng đi Bạc Liêu, chùa còn gọi là chùa Chén Kiểu, nét độc đáo của ngôi chùa sử dụng những mảnh bát, đĩa sứ ốp lên tường để trang trí), chùa Đất Sét (nằm ngay trung tâm thành phố với các tác phẩm tượng Phật, linh thú, đỉnh trầm, bảo tháp… được tạo ra từ đất sét sống động như thật. Ngoài ra, chùa có pho tượng đức Phật cổ bằng đá cao 1,5m và nhiều bộ kinh luật viết trên lá cây thốt nốt), chùa Kh’leang (là ngôi chùa cổ nhất ở Sóc Trăng, được xây dựng vào khoảng năm 1533, gắn liền với những truyền thuyết về địa danh Sóc Trăng) và chùa Dơi (cách trung tâm thành phố 2km, nổi bật với hàng ngàn con dơi treo lủng lẳng trong chùa vào ban ngày) với nét đặc trưng về kiến trúc và văn hóa.
Ngoài ra đến Sóc Trăng bạn cũng đừng quên tham quan các di tích lịch sử gồm căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng, một di tích cách mạng được xây dựng trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp nằm trong khu rừng tràm thuộc xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú và bảo tàng Khmer Sóc Trăng, một công trình có kiến trúc theo phong cách chùa của người Khmer nằm đối diện với chùa Khleang. Trong bảo tàng trưng bày nhiều hiện vật quý, phản ánh đời sống văn hoá vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer.
Khách sạn và ẩm thực địa phương
Tại Sóc Trăng không có nhiều khách sạn nên bạn lưu ý đặt trước khi đến nhé! Tuy nhiên về vấn đề giá cả thì khá mềm nên bạn không quá lo về chi phí, vài gợi ý khách sạn cho bạn như Phú Quí, Việt Nghĩa, Khánh Hưng 2 sao, Minh Phượng 3 sao.
Tại Sóc Trăng có những món ăn nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn vươn ra nước ngoài, thông qua những tên gọi như: bánh pía, bánh cóng, lạp xưởng, bún nước lèo, vịt nấu chao, khô thịt heo, hủ tiếu cá, những món ăn ngon được làm từ xá pấu, bánh gừng của người Khmer… được xem như là những thương hiệu vốn hiện hữu chỉ riêng có ở Sóc Trăng. Mỗi 1 dân tộc ở Sóc Trăng đều có những món ăn truyền thống rất riêng, như người Kinh có món bánh xèo, bún gỏi dà, người Hoa có món bánh pía, mè láo, người Khmer có món bánh dứa, cốm dẹp,…là những món bạn nên thử khi đến đây.
Sóc Trăng có lễ hội gì đặc sắc?
Một trong các Lễ hội của các dân tộc ở Sóc Trăng, ấn tượng nhất, hoành tráng nhất và cũng là “thương hiệu” của du lịch Sóc Trăng, chính là Lễ hội Ooc-Om-Boc và đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, diễn ra vào ngày 14 và 15 tháng 10 âm lịch hàng năm. Ngoài ra, còn có Lễ hội Cúng Phước Biển, một lễ hội truyền thống của đồng bào người Khmer được tổ chức vào ngày 14, 15 tháng 2 (âm lịch) hàng năm tại chùa Cà Săng (thị xã Vĩnh Châu) và Lễ hội Thác Côn độc đáo của đồng bào Khmer vùng An Trạch, còn lễ hội Cúng dừa được tổ chức hàng năm tại chùa Mahasal Thatmon, diễn ra vào các ngày 15, 16 và 17 tháng 3 âm lịch.
Đến Sóc Trăng mua gì về làm quà?
Đến Sóc Trăng bạn hãy chọn mua các loại bánh nổi tiếng tại đây về làm quà cho người thân như bánh pía, bánh mè láo, bánh cóng, bánh dứa, cốm dẹp, bánh gừng hay món lạp xưởng cũng rất ngon cho những ai ưa chuộng món này, bởi Sóc Trăng có món lạp xưởng tươi khi chiên hay nướng lên thì món dậy mùi rất thơm.