Du lịch miền Bắc khám phá tinh hoa ẩm thực mang đặc trưng của một nền văn hoá lâu đời

Tin tức du lịch
-
09/05/2024

Ẩm thực Việt, từ lâu đã nổi tiếng với đông đảo bạn bè quốc tế với vị ngon tinh tế, gia vị nêm nếm đa dạng, mang đậm nét đặc trưng của một quốc gia phương Đông. Đặc biệt, nếu đã đi du lịch miền Bắc thì nhất định phải thưởng thức tinh hoa ẩm thực nơi đây. Vậy, ẩm thực miền Bắc có gì mà thu hút khu khách đến thế? Hãy cùng tìm hiểu đặc trưng và những món ăn nổi tiếng làm nên tinh hoa ẩm thực miền Bắc bạn nhé.

Nếu ẩm thực miền Nam nổi tiếng với vị ngọt đặc trưng với nguồn nguyên liệu trù phú, ẩm thực miền Trung ấn tượng với vị cay nồng của vùng đất đầy nắng gió, thì ẩm thực miền Bắc lại thanh đạm, mang đậm những dấu ấn riêng, nổi bật cho vùng đất có nền lịch sử lâu đời nhất Việt Nam.
 

1. Nét đặc trưng của ẩm thực miền Bắc

Ẩm thực miền Bắc mang hương vị thanh đạm (Nguồn hình: Sưu tầm)
Miền Bắc không chỉ ấn tượng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những công trình lịch sử, nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc mà còn là nền ẩm thực đặc trưng, không thể nhầm lẫn và luôn để lại dấu ấn trong lòng bao thực khách. Ẩm thực miền Bắc là sự kết hợp hài hoà, tinh tế về cảm quan, về sự phối hợp khéo léo các nguyên liệu, gia vị của món ăn. 
Đặc trưng trong ẩm thực miền Bắc là phải thanh đạm, thường không đậm các vị cay, béo, ngọt bằng các vùng khác; món ăn có vị vừa phải, không quá nồng nhưng lại có màu sắc sặc sỡ; các gia vị chủ yếu sử dụng là chanh, dấm, sấu, tiêu, ớt, gừng, hành, tỏi, nước mắm loãng, mắm tôm, nhiều món rau và các loại thủy sản nước ngọt dễ kiếm như tôm, cua, cá, trai, hến… Vì lẽ đó mà từ món ăn đến cái mặc của người miền Bắc đều được sàng lọc và trở thành chuẩn mực không dễ gì thay đổi.

Trong mỗi dịp Tết, ẩm thực miền Bắc càng trở nên khéo léo và tinh tế hơn và càng được thể hiện rõ nét hơn khi mà các mâm cỗ luôn đề cao “mâm cao cỗ đầy”, bắt mắt và ngon miệng. Đặc biệt, văn hoá truyền thống của người dân miền Bắc càng thể hiện rõ hơn trong cách ăn uống, cách ứng xử của người dân miền Bắc trong bữa ăn. Bữa ăn của người miền Bắc được thể hiện rõ nét qua câu tục ngữ như “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Vì vậy mà khi ăn uống bao giờ người lớn tuổi và những người được tôn trọng cũng được mời ăn trước hay khi ăn nên gắp những miếng ngon nhất trước cho người khác. Sự khéo léo, tinh tế trong nếp sống sinh hoạt, ăn uống cũng là một phần ảnh hưởng đến sự tỉ mỉ, chỉn chu trong văn hóa ẩm thực miền Bắc.

Hơn hết, ngoài những món ăn no thì những món quà bánh dân dã như bánh cốm, bánh cam hay các loại mứt,…  cũng lại đem đến cho người ta nhiều sự háo hức, và đằng sau từng món ăn đều lưu giữ bao kỉ niệm đẹp một thuở của người dân Bắc, thể hiện được sự khéo léo, chỉn chu của người làm ra món ăn.

>>> Tham khảo tour: Du lịch Ninh Bình - Tuyệt Tịnh Cốc - Nam Định - Hà Nam - Cá kho Làng Vũ Đại - Hà Nội - Vườn hoa bãi đá sông Hồng khám phá tinh hoa ẩm thực miền Bắc
 

2. Những món ăn nổi tiếng làm nên tinh hoa ẩm thực miền Bắc

2.1. Phở Hà Nội

Phở Hà Nội - hương vị đặc trưng vùng đất Thăng Long (Nguồn hình: Sưu tầm)
Nhắc đến ẩm thực miền Bắc chắc chắn phải nhắc đến Phở Hà Nội - món ăn làm nên tên tuổi của ẩm thực Việt Nam. Món ăn này đã được đưa vào từ điển Oxford, ghi nhận là một danh từ riêng. Và đặc biệt, Phở đã từng lọt vào danh sách 50 món ngon Thế giới do CNN bình chọn, chứng tỏ món ăn này có sức hấp dẫn đến khó chối từ.

Phở Hà Nội là một món ăn nổi tiếng ở đất Hà Thành. Người dân nơi đây cũng không rõ nó xuất hiện từ bao giờ. Với vị thơm ngon của nước dùng, sự dẻo dai của bánh phở hòa cùng hương thơm của các loại rau ăn kèm đã làm cho phở Hà Nội trở nên đặc biệt trong mắt của những tín đồ ẩm thực.
Tinh tuý của Phở nằm ở nước dùng. Nước dùng được ninh kỹ từ xương bò và các loại quế hồi, thảo quả… mang hương vị ngọt thanh. Được chan lên trên bánh phở làm từ gạo, dai vừa phải, cùng với thịt bò nạm, tái, hoặc thịt gà tươi, trên mặt thêm các loại hành lá, rau mùi xắt nhỏ… tất cả tạo nên một bản thể hoàn hảo cho một món ăn đậm chất truyền thống. Chắc chắn, đây sẽ là một khởi đầu hoàn hảo cho hành trình khám phá văn hóa ẩm thực miền Bắc của bạn.

>>> Tham khảo tour <<<
1. Hà Nội - Hạ Long - Yên Tử - Ninh Bình - Bái Đính - Tràng An 
2. Hà Nội - Sapa - Fansipan - Yên Tử - Hạ Long - Ninh Bình - Tràng An - Bái Đính

 

2.2. Bún chả Hà Nội

Bún chả - Niềm tự hào của ẩm thực Hà Nội (Nguồn hình: Sưu tầm)
Cùng với phở, bún chả Hà Nội là một trong số các món nhất định phải thử khi du lịch miền Bắc. Mỗi phần bún chả gồm có bún (bánh phở khô), chả (thịt heo nướng), nước chấm (nước mắm pha với đường, giấm, tỏi, ớt), rau sống (rau diếp, rau quế, rau húng...) và đồ chua.
Một phần bún chả Hà Nội xưa chuẩn vị là một phần có chả miếng, chả băm đượm mùi nướng than, mềm ngọt mà không bị khô, bún trắng muốt, nước chấm hài hòa chua ngọt, dậy vị the cay của ớt, tỏi giã, điểm dăm ba lát ớt đỏ bắt mắt.. tất cả quyện lại như bản hòa tấu khó quên.
Không chỉ là một món ăn, bún chả cũng là một biểu tượng của văn hóa ẩm thực Hà Nội, được nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích và tìm kiếm khi du lịch miền Bắc.
 

2.3. Chả cá Lã Vọng

Chả cá Lã Vọng - Nét ẩm thực tinh tuý của người Hà Nội (Nguồn hình: Sưu tầm)
Khám phá kho tàng ẩm thực Hà Nội nhất định bạn phải thưởng thức Chả cá Lã Vọng - món ăn đậm đà văn hóa ẩm thực miền Bắc. Đặc sản nức tiếng Hà thành này có nguồn gốc từ phố chả cá ở Hà Nội, nơi mà người dân thường tụ tập ăn chả cá vào những ngày lễ tết hoặc cuối tuần.

Chả cá Lã Vọng ngon nhất phải được làm từ cá lăng hoặc cá quả, được ướp với nhiều gia vị như hành, gừng, nghệ, mắm tôm, rượu và dầu. Sau đó, cá được nướng trên bếp than cho đến khi vàng giòn. Khi ăn, người ta thường cho cá vào chảo nóng, rắc thêm hành lá, rau thơm và đậu phộng. Món ăn được dùng kèm với bún tươi, mắm tôm hoặc nước mắm pha chanh, tỏi và ớt.

Chả cá Lã Vọng không chỉ làm du khách xao xuyến bởi hương vị thơm ngon mà còn là một món ăn gia đình miền Bắc gắn liền với nhiều kỷ niệm và ý nghĩa của những người con Hà thành.
 

2.4. Cá kho làng Vũ Đại

Cá kho làng Vũ Đại - Đậm chất văn hoá Bắc Bộ (Nguồn hình: Sưu tầm)
Nhắc tới đặc sản miền Bắc, món ăn tinh hoa ẩm thực Việt thì không thể nào thiếu sót món Cá kho Vũ Đại  (Hà Nam) nổi tiếng. Món đặc sản này còn có nhiều tên gọi khác như cá kho Đại Hoàng, cá kho Nhân Hậu hay cá kho Hà Nam... 
Cá kho làng Vũ Đại sử dụng nguyên liệu chính là cá trắm đen, thịt ba chỉ và được nêm nếm khéo léo bởi những gia vị đồng quê. 
Quá trình chế biến và kho cá rất công phu và tỉ mỉ, bởi vậy thành phẩm có được sẽ là một nồi cá kho thơm ngon với thịt cá chắc, xương cá nhừ hoàn toàn cùng màu nâu cánh gián bắt mắt. Hương vị đặc trưng của cá kho làng Vũ Đại khiến món ăn này được các thực khách trong và ngoài nước "săn đón" mạnh mẽ. 
 

2.5. Chả mực Hạ Long

Vị ngon thơm, béo, ngậy, dai giòn và ngọt thanh của chả mực Hạ Long từ lâu đã quyến rũ mọi du khách. Là một trong những món ăn miền Bắc nổi tiếng, món ăn được làm từ mực tươi ngon, được nghiền nhuyễn và trộn với các gia vị như hành, tiêu, tỏi, gừng, rau mùi... Sau đó, hỗn hợp mực được nặn thành các viên tròn hoặc vuông, rán giòn vàng trên chảo. Món ăn này có thể ăn kèm với bánh đa nem, bún, cơm hoặc bánh mì.

Chả mực Hạ Long không dừng lại là một phần của văn hóa ẩm thực miền Bắc mà còn là một biểu tượng của du lịch Hạ Long.
 

2.6. Trâu gác bếp Tây Bắc

Thịt trâu gác bếp - Đậm đà khó quên hương vị vùng cao (Nguồn hình: Sưu tầm)
Để có thể nếm hết những tinh hoa văn hóa ẩm thực miền Bắc thì du khách không thể bỏ lỡ trâu gác bếp Tây Bắc. Thịt trâu gác bếp là một phần văn hóa ẩm thực của các dân tộc thiểu số ở vùng cao phía bắc, đặc biệt là Hà Giang. Đây là một món ăn đặc trưng, thường xuất hiện trong các dịp lễ hội, khi tiếp khách và cũng là món quà mà du khách thích mua về.
Món ăn gây ấn tượng với các chế biến khá đặc biệt, nguyên liệu chính là thịt trâu, được tẩm ướp gia vị kỹ càng. (Gia vị chủ yếu là mắc khén - loại gia vị đặc trưng của vùng núi phía Bắc). Sau khi tẩm ướp, thịt trâu sẽ được treo lên gác bếp than hoa để khói bao phủ tự nhiên, khói sẽ làm cho thịt nhanh khô và có hương vị đặc trưng hơn. Bởi vậy, thịt trâu gác bếp có mùi thơm đặc trưng, có vị ngọt đậm đà, thịt trâu dai nhưng không bị cứng. 

Đối với người dân vùng cao, thịt trâu gác bếp không chỉ đơn thuần là món ăn. Đó còn là một phần của văn hóa, lối sống và tâm hồn họ. Trong các dịp lễ hội, tiếp khách hay những ngày giá lạnh, món thịt trâu gác bếp luôn là lựa chọn hàng đầu để thể hiện lòng mến khách và sự ấm áp gia đình.. Trong vô vàn các món đặc sản miền Bắc, thịt trâu gác bếp chắc hẳn sẽ để lại cho du khách nhiều ấn tượng khó phai.

Qua 6 món đặc sản nổi tiếng trên, du khách sẽ phần nào cảm nhận rõ nét hơn về văn hóa ẩm thực miền Bắc. Sẽ thật thú vị nếu bạn có dịp du lịch miền Bắc để thưởng thức những món ăn đặc trưng mang đậm nét văn hoá kết hợp cùng những danh lam thắng cảnh nơi đây. 

Nguồn bài viết: Sưu tầm và tổng hợp
@camnangdulich #camnangdulich