Giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá
Tin tức du lịch
-15/03/2024
Theo các doanh nghiệp du lịch, số lượng du khách tại Việt Nam tăng mạnh nhưng khách đi tour không tăng nhiều. Hơn nữa trong số du khách quốc tế đến Việt Nam, không phải tất cả là khách du lịch thuần túy.
Tại tọa đàm “Giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá” do Báo Người Lao động tổ chức hôm 12/3, nhiều doanh nghiệp phản ánh hoạt động kinh doanh du lịch vẫn gặp nhiều khó khăn, cho dù lượng khách nói chung trên cả nước đã tăng nhanh trở lại. Trong đó, khó khăn đến với cả doanh nghiệp đón khách quốc tế và đơn vị tổ chức tour du lịch nội địa.
Tham dự tọa đàm có các đồng chí: Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM; Nguyễn Thị Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM…
Phát biểu mở đầu tọa đàm, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia - ông Nguyễn Trùng Khánh đã có một số nhận định cho rằng ngành Du lịch đang tăng trưởng tốt khi liên tục đón nhiều giải thưởng danh giá, như: Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á, Điểm đến di sản hàng đầu thế giới, Chất lượng du lịch Việt Nam cũng ngày càng nâng cao.
Để phát triển ngành Du lịch thành kinh tế mũi nhọn, mới đây Chính phủ có Chỉ thị 08/2024 giao nhiệm vụ cụ thể bộ ngành để phát triển ngành du lịch có định hướng đạt mục tiêu đề ra là đón 17-18 triệu khách quốc tế, 110 triệu du khách nội địa. Theo đồng chí Nguyễn Trùng Khánh đây là mục tiêu rất tham vọng và để đạt được những mục tiêu đề ra, ngành du lịch có 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, ngành đang hoàn tất quy hoạch du lịch 2025-2030 tầm nhìn 2045 đang chờ Thủ tướng phê duyệt. Khi quy hoạch ban hành, ngành Du lịch xác định hướng đi để tổ chức thực hiện; Tổ chức các hoạt động liên kết - phát triển điểm đến xanh - bền vững, lấy trải nghiệm của du khách làm trọng tâm. Ngành cũng đề xuất nội dung, thay đổi phương thức xúc tiến thương mại dựa trên các phân khúc: du lịch cộng đồng, chăm sóc sức khỏe, nông thôn, MICE (du lịch kết hợp hội nghị), golf, du lịch đường sắt.
Đồng thời, thành lập văn phòng xúc tiến thương mại du lịch ở nước ngoài – đây là điểm yếu của Việt Nam so với các nước. Trước tiên là mở văn phòng tại Viêng Chăn (Lào); Phát triển sản phẩm du lịch dựa trên các lợi thế tiềm năng để thu hút khách trong và ngoài nước cũng như tăng tỉ lệ khách quay lại, quan trọng là sản phẩm phù hợp giữ chân du khách. Nghiên cứu đề xuất để tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương, doanh nghiệp du lịch, nhất là các vấn đề liên quan đến đầu tư, thuế. Phối hợp địa phương quản lý điểm đến bảo đảm an toàn cho du khách. Tăng cường chuyển đổi số, phát triển cơ sở dữ liệu để phát triển du lịch.
Nhấn mạnh ngành du lịch hiện nay còn rất nhiều khó khăn, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: "Khách du lịch tăng khá nhanh nhưng so với tiềm năng và nhu cầu của nền kinh tế thì còn thấp. Hơn nữa thực tế là số du khách tăng nhưng khách đi tour do công ty lữ hành tổ chức lại không tăng nhiều".
Tại tọa đàm, Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel cũng đưa ra một số nhận định và đề xuất để khách du lịch đến, ở lâu và quay lại:
"Chúng ta nói nhiều về visa nhưng tại các nước, chính sách về visa thay đổi rất nhanh, linh hoạt, phục vụ đúng nhu cầu của khách. Chúng ta có nhiều cố gắng nhưng chưa linh hoạt bằng các nước.
Về kết nối du lịch để tạo sản phẩm, hạn chế nằm ở khâu liên kết không sâu và lỏng lẻo, chưa đủ rẻ và hấp dẫn để thu hút khách. Tới đây đề nghị các đơn vị mạnh nhất trong ngành du lịch sẽ ngồi lại với nhau để hỗ trợ phát triển thị trường du lịch nước ngoài, bàn hành động cụ thể để 'đánh' vào thị trường cụ thể".
Bà Phan Thị Thúy Dung - đại diện Tập đoàn Sungroup chia sẻ, sau 3 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và đến thời điểm này, các doanh nghiệp du lịch vẫn đang ở giai đoạn "ngấm đòn" sâu bởi quá nhiều khó khăn chồng chất. Tín hiệu khởi sắc lớn nhất là lượng khách quốc tế đã tăng nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Thực tế, nhiều khách quốc tế đến Việt Nam ở thời điểm này vẫn còn gặp rào cản về visa và đường hàng không.
"Do vậy, chúng tôi vẫn tha thiết kỳ vọng chính sách visa sẽ tiếp tục được cải thiện, nới lỏng hơn nữa để Việt Nam có thể tăng cường thu hút các thị trường khách quốc tế mới, bù đắp lại những thị trường truyền thống lớn đang bị hao hụt như Trung Quốc, Nga. Trước mắt, chúng ta có thể cân nhắc đề xuất miễn thị thực trong thời gian ngắn hạn (từ 6 tháng đến 1 năm) cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ...", bà Phan Thị Thúy Dung chia sẻ.
Bày tỏ sự đồng tình với các ý kiến phát biểu tại tọa đàm về giải pháp để ngành Du lịch tạo đột phá, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM Nguyễn Thị Khánh trông chờ quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam vì đây là cơ sở để có sản phẩm độc đáo. Tại TPHCM, Thành ủy, UBND và Sở Du lịch đã có những chương trình liên kết hợp tác với cả nước.
Bên cạnh đó cũng nêu cao việc tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp để tạo các sản phẩm độc đáo, khác biệt, tránh sự trùng lặp, trên cơ sở liên kết 6 tỉnh miền Đông - TPHCM. Hiệp hội Du lịch TPHCM cũng luôn có ý thức trách nhiệm về phát triển du lịch bền vững, cập nhật các chương trình du lịch bền vững, nói không với rác thải nhựa…