Mãn nhãn với các lễ hội mùa thu ở Thái Lan
Tin tức du lịch
-29/08/2024
Lễ hội Thái Lan mùa thu đông luôn được du khách mong chờ bởi sự náo nhiệt, đầy màu sắc và đậm nét văn hóa của xứ sở chùa Vàng. Hãy cùng điểm qua những lễ hội độc đáo này bạn nhé!
Đến Thái Lan mùa thu, du khách không chỉ được khám phá những điểm đến du lịch nổi tiếng trong tiết trời mát mẻ mà còn được hòa mình vào nhiều lễ hội độc lạ và đặc sắc diễn ra trên khắp Thái Lan.
1. Lễ hội đèn trời Chiang Mai - Yi Peng
- Thời gian diễn ra: 15/12 âm lịch Thái Lan (5/11- 11/11 tùy năm theo lịch dương)
- Địa điểm tổ chức: Chiang Mai
- Hình thức: Thả đèn trời
Đây là một trong những lễ hội Thái Lan nổi tiếng nhất được rất nhiều du khách quốc tế quan tâm. "Thánh địa" của lễ hội Yi Peng là cố đô Chiang Mai, nơi được tổ chức long trọng, hoành tráng nhất nước. Do đó, vào dịp này, phần lớn khách quốc tế sẽ đổ về Chiang Mai để thả đèn trời.
Lễ hội thả đèn Chiang Mai diễn ra vào tháng 11 hàng năm bên bờ sông Peng, vào buổi tối ngày lễ, hàng ngàn chiếc đèn sẽ được được thả lên trời và bay đi trong làn gió, tạo thành một khung cảnh vô cùng mãn nhãn.
Trong suốt lễ hội, sẽ có một số hoạt động khác như diễu hành, một số nghi lễ tôn giáo, bắn pháo hoa, thả hoa đăng trên sông nhưng phần lớn mọi người yêu thích và quan tâm nhất vẫn là nghi thức thả đèn trời bởi vì khung cảnh tuyệt đẹp chỉ có trong phim xuất hiện trước mặt khiến ai cũng cảm thấy có phần khó tin nhưng hào hứng không thể che giấu.
Người dân và du khách tham dự lễ hội trong ba ngày, ban ngày du khách có thể đi xe đạp dạo quanh phố và chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên nơi đây. Ban đêm là thời điểm tuyệt diệu nhất, mọi người được trải nghiệm khung cảnh đẹp tuyệt trần: Thời khắc cả bầu trời lúc lấp lánh cùng những vì sao nhân tạo, giống như một đàn sứa khổng lồ phát sáng, trôi nổi trên bầu trời cùng với vẻ đẹp siêu thực của những chiếc đèn hoa đăng trôi nổi trên những dòng sông. Không có từ ngữ hay máy ảnh nào có thể ghi lại được vẻ đẹp huyền ảo của nó.
2. Lễ hội Loy Krathong (tháng 11)
- Thời gian diễn ra: 5/12 âm lịch Thái Lan (5/11- 11/11 tùy năm theo lịch dương)
- Địa điểm tổ chức: Trên khắp đất nước Thái Lan
- Hình thức tổ chức: Thả hoa đăng dưới nước
Lễ hội Loy Krathong là một trong những lễ hội lớn nhất và lâu đời nhất Thái Lan. Trong tiếng Thái, “Loy” là “thả”, “Krathong” là “hoa đăng”. Lễ hội này là dịp để người Thái bày tỏ sự tôn kính, biết ơn tới thần nước Phra Mae Khongkha vì đã cung cấp nguồn nước dồi dào cho nhân dân, họ tin rằng Người luôn ở bên, che chở và ban phước cho cuộc sống của họ. Và những điều không may, những khó khăn sẽ từ đó theo những chiếc trôi xa mất. Ngày nay, ý nghĩa của lễ hội còn là dip cầu chúc, ước nguyện có cuộc sống bình an, đôi lứa sẽ hạnh phúc bền lâu. Do đó Loy Krathong cũng là dịp rất ý nghĩa với những đôi lứa đang yêu.
Đối với Phật tử, khi tham gia vào lễ hội thả hoa đăng cũng là lúc họ được xóa bỏ đi những điều xấu xa trong cuộc sống thường ngày như: nổi giận, suy nghĩ và có những hành động xấu. Sau khi thắp đèn xong, mọi người đều nhắm mắt lại, miệng nhẩm cầu cho gia đình, người thân được bình an và hạnh phúc. Nhiều đôi nam nữ thanh niên cùng nhau đi thả đèn để cầu cho tình yêu bền chặt. Chuẩn bị hoa đăng: Những chiếc đèn hoa đăng có hình hoa sen nở, đường kính khoảng 20cm, đế đèn được làm bằng lá và thân cây chuối với nhiều kiểu dáng và hình thù khác nhau và trang trí với các loại hoa, nhang nến nhiều màu khiến cho đèn Krathong rất rực rỡ. Lúc thả Krathong xuống nước, người ta cắt một ít móng tay, tóc và một đồng xu bỏ vào Krathong và tin rằng mọi muộn phiền và những điều không may của năm cũ sẽ được gột rửa.
Lễ hội Loy Krathong được tổ chức rộng khắp đất nước Thái Lan, nhưng lớn nhất ở bốn tỉnh Sukhothai, Chiang Mai, Ayutthaya và Bangkok. Ở những nơi này, ngoài hoạt động thả đèn Krathong, còn tổ chức bắn pháo hoa, diễu hành; đua thuyền hay đua thả đèn hoa đăng, thi kết hoa đăng; cuộc thi sắc đẹp Miss Nopphamat; thưởng thức ẩm thực Thái Lan truyền thống và các tiết mục biểu diễn văn nghệ.
3. Lễ hội voi Surin
- Thời gian diễn ra: cuối tuần thứ 3 tháng 11
- Địa điểm tổ chức: Surin – Isaan ở Đông Bắc Thái Lan
Loài voi gắn liền với văn hóa người Á Đông, đặc biệt là đối với người Thái Lan. Hình ảnh chú voi xuất hiện hầu như khắp mọi nơi trên xứ chùa Vàng, từ đường phố đến các trung tâm thương mại, từ các cung điện đến các tòa nhà chính phủ, từ phim ảnh đến bên trong các chùa chiền. Chính vì vậy hàng năm người Thái tổ chức lễ hội voi Surin nhằm tôn vinh loài vật này, và trong đó tôn vinh cả những quản tượng - bạn đồng hành của chúng.
Hơn 300 chú voi sẽ được trang trí, vẽ lên mình những màu sắc thật sặc sỡ rồi diễu hành trước tất cả mọi người. Ngoài ra, vào dịp này bạn sẽ được xem những chú voi thân thiện này chơi bóng, kéo co, vẽ tranh, làm xiếc… hoặc có thể cưỡi chúng đi diễu hành thăm thú một số nơi tại Thái Lan.
Sau màn diễu hành ấn tượng, những chú voi sẽ tham gia vào bữa tiệc buffet rau quả. Có lẽ, đây là phần mà các chú voi tham gia lễ hội Surin mong chờ nhất. Những loại hoa quả khoái khẩu của chúng như: chuối, mía, dứa, ngô,.. được bày biện một cách ngon lành trên gần 100 chiếc bàn. Thông qua lễ hội ta không chỉ thấy được cuộc sống hằng ngày của loài động vật trên cạn to lớn nhất hành tinh, mà còn nhận thức thông điệp cuộc sống thân thiện giữa con người và động vật hoang dã.
4. Lễ hội Buffet cho Khỉ
- Thời gian diễn ra: vào ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 11
- Địa điểm tổ chức: tỉnh Lopburi
Lễ hội buffet chi Khỉ, mang ý nghĩa tưởng nhớ thần Narai và thể hiện lòng yêu quí của người dân đối với khỉ. Vì theo quan niệm của người Thái, khỉ được xem là những người lính bảo vệ cho thần Narai đạo Hindu, không ai được phép làm hại chúng. Tại đây, hàng trăm chú khỉ được thoải mái lựa chọn hoa quả và đồ uống yêu thích, những bàn buffet thịnh soạn sẽ được chuẩn bị để đón những chú khỉ từ khắp nơi về dự tiệc.
Đến với lễ hội, du khách được trực tiếp cho đàn khỉ ăn, trêu đùa và chụp hình với chúng, những trò nhào lộn bắt mắt mà chúng biểu diễn chắc chắn sẽ để lại trong lòng du khách những ấn tượng khó quên.
5. Lễ hội nến
- Thời gian diễn ra: Tháng 7 - tháng 10
- Địa điểm tổ chức: Ubon Ratchathani (vùng đông bắc Thái Lan)
Trải qua hơn 100 năm, lễ hội này trở thành một điều đáng tự hào của người dân xứ sở chùa vàng. Theo giới chức địa phương, lễ hội nến sáp đánh dấu mùa chay phật giáo kéo dài 3 tháng, một trong những đặc trưng văn hóa di sản của vùng Đông bắc Thái Lan.
Lễ hội là tổng hòa của nhiều yếu tố từ màu sắc âm nhạc, những điệu múa truyền thống và tất nhiên là cả những tác phẩm điêu khắc tinh xảo được làm từ nến. Đoàn diễu hành sẽ đi qua những con phố đông đúc người xem để tất cả mọi người đều có thể chiêm ngưỡng tác phẩm nến tuyệt đẹp của lễ hội. Trong cuộc diễu hành này, du khách không chỉ có cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm bằng sáp độc đáo công phu mà còn được hòa mình vào những hoạt động đa dạng như các buổi biểu diễn văn hóa, hay đúc nến, làm nến
Là sự kiện thường niên lớn nhất của tỉnh Ubon Ratchathani, điểm nổi bật nhất trong lễ hội nến ở Ubon chính là cuộc diễu hành dọc theo đường Upparat. Những ngọn nến khổng lồ được diễu hành khắp thành phố, trong đó mỗi ngọn nến tượng trưng cho một ngôi đền địa phương. Hoà mình không khí vui tưoi và nhộn nịp trong cuộc diễu hành này, du khách không chỉ có cơ hội được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật bằng sáp độc đáo, công phu mà còn được khám phá những nét đặc sắc trong trang phục truyền thống, vừa hát vừa thực hiện những điệu nhảy đậm chất địa phương.
Ngày nay, lễ hội nến ở Thái Lan đã trở thành một sự kiện văn hóa quốc tế sống động và đầy màu sắc, thu hút đông đảo người dân địa phương và bạn bè quốc tế tham gia, trải nghiệm ít nhất một lần trong đời.
Trên đây là những lễ hội Thái Lan mùa thu đông đặc sắc nhất. Qua việc tham gia những lễ hội này, du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm những hoạt động vui chơi, giải trí sôi nổi cũng như tìm hiểu những nét độc đáo trong văn hóa Thái Lan.
Để biết thêm thông tin về chương trình, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
VIETRAVEL
190 Pasteur, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM
Tel: (028) 3822 8898 - Hotline: 1900 1839
Fanpage: https://www.facebook.com/vietravel
Website: www.travel.com.vn
Nguồn hình: Sưu tầm và tổng hợp
@camnangdulich #camnangdulich