Tưng bừng lễ hội lớn nhất vùng biển miền Trung - Lễ hội Cầu Ngư

Tin tức du lịch 13/04/2023
pin

Mùa hè là khoảng thời gian diễn ra nhiều lễ hội náo nhiệt nhất của ngư dân các vùng biển miền Trung. Lễ hội cầu ngư - lễ hội nước lớn nhất trong năm được tổ chức dọc các tỉnh vùng biển Trung bộ nước ta. 30/4 này, hãy cùng gia đình đi du lịch để dạo chơi trong không gian đậm sắc màu lễ hội này nhé!

Lễ hội Cầu Ngư – cho mùa mới bội thu

Đây là lễ hội truyền thống thể hiện nét văn hóa tín ngưỡng của ngư dân miền biển, đồng thời mang đậm chất nghi lễ dân gian của người dân sống vùng đồng bằng duyên hải miền Trung. Hằng năm, lễ hội Cầu Ngư được tổ chức dọc các tỉnh biển miền Trung từ Quảng Bình trở vào Nam vào khoảng tháng 2 đến tháng 5. Lễ hội này còn có tên gọi “lễ hội Nghinh Ông” với quan niệm cầu một năm mưa thuận gió hòa, ngư dân làm ăn được mùa, tôm cá đầy thuyền… 

Tuy các địa phương tổ chức lễ hội Cầu Ngư không cùng một thời điểm nhưng tất cả đều thể hiện chung quan niệm về tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng thờ cúng cá “Ông” (cá voi). Đó là sinh vật thiêng liêng, là cứu tinh bảo vệ và dẫn đường cho ngư dân (hoặc những người làm việc trên biển) qua khỏi sóng to, gió lớn. Việc thờ cúng cá “Ông” không chỉ thể hiện sự tôn kính của ngư dân đối với các vị thần linh mà còn gắn liền với niềm tin về sự hưng thịnh của làng chài. Các hoạt động và nghi thức tế lễ trong dịp này luôn đậm nét dân gian, gắn liền với đời sống thường nhật, tập tục của cư dân miền biển.

Nét đa sắc trong lễ hội

Thông thường, lễ hội Cầu Ngư của người dân miền biển gồm hai phần lễ chính: lễ rước kiệu và lễ tế truyền thống. Trong lễ rước kiệu, Nam Hải tướng quân trong trang phục truyền thống, xuống thuyền rồng ra biển. Mâm cổ cúng tế và lư hương được đặt trước mũi thuyền. Người dân làng chài bày biện rất nhiều mâm cổ, lễ vật nghênh đón, thắp hương khói nghi ngút dọc theo đường đưa thuyền ra biển. Cùng với thuyền rồng rước thủy tướng, hàng trăm ghe thuyền lớn nhỏ trang hoàng lộng lẫy, cờ hoa rực rỡ, chiêng trống tưng bừng chở bà con tham dự đoàn rước tháp tùng ra biển nghênh “Ông”. Không khí vô cùng náo nhiệt, đám đông ai cũng vui vẻ reo hò cầu mong cho năm mới an lành và phát đạt. Tại bến thuyền, không khí vốn đã sôi động với đoàn lân sư rồng đợi sẵn từ đầu ngày. Sau khi đoàn rước “Ông” quay về lăng Thủy tướng thì bến đợi càng náo nhiệt hơn bội phần.
 
Lễ tế diễn ra trang trọng ngay sau khi lễ rước hoàn tất. Với nghi thức cổ truyền, các bậc tiền bối trong vùng mặc trang phục truyền thống, dâng hương và lễ vật, thành tâm khấn vái cho một mùa biển mới được ấm no. Các lễ cầu an, xây chầu đại hội và hát bội tưng bừng diễn ra tại lăng Thủy tướng. Trong thời gian diễn ra lễ hội, bà con nô nức kéo đến tham gia với tinh thần háo hức, vui vẻ. Có thể nói, đây là lễ hội đậm chất nhất vào những ngày hè.

Bên cạnh phần lễ truyền thống, nhiều địa phương còn tổ chức các hoạt động vui chơi trong ngày hội tại bờ biển như thi kéo co, đua thuyền thúng trên biển, cờ người… Tất cả góp phần tạo nên lễ hội Cầu Ngư tại vùng biển Trung Bộ thêm sôi động, hấp dẫn, tạo được dấu ấn đặc sắc riêng cho du lịch Việt Nam.
Tin mới
Tin ngẫu nhiên